BỘ CÔNG AN Số: 2130/BCA-V19 V/v phối hợp xây dựng Báo cáo công tác tương trợ tư pháp năm 2017 trình Quốc hội | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 8 tháng 9 năm 2017 |
Kính thưa: Bộ tư pháp
Thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 65 Luật tương trợ tư pháp năm 2007 về trách nhiệm của Bộ Công an thông báo định kỳ với Bộ Tư pháp về tình hình thực hiện công tác tương trợ tư pháp, trả lời Công văn số 2785/BTP-PLQT ngày 09/8/2017 của Bộ Tư pháp đề nghị phối hợp chuẩn bị Báo cáo TTTP trình Quốc hội khóa XIV kỳ họp thứ 4, Bộ Công an cung cấp các thông tin về kết quả thực hiện công tác dẫn độ, chuyển giao người bị kết án phạt tù từ tháng 10/2016 đến tháng 9/2017 như sau:
I. Về kết quả đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế về dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù
1. Đã hoàn thành các thủ tục phê chuẩn 04 hiệp định về dẫn độ (với Vương quốc Tây Ban Nha, phê chuẩn ngày 13/12/2016; với Hung-ga-ri và CHXHCN và dân chủ Xri Lan-ca, ngày 28/3/2017; với Cộng hòa Pháp, ngày 06/6/2017) và 05 hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù (với Vương quốc Tây Ban Nha, ngày 13/12/2016; với Cộng hòa Ấn Độ, Liên bang Nga, Hung-ga-ri và CHXHCN và dân chủ Xri Lan-ca, ngày 28/3/2017).
2. Đã hoàn thành tổ chức ký 01 hiệp định về dẫn độ (với Cộng hòa Ca-dắc-xtan, ký ngày 15/6/2017) và 02 hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù (với Vương quốc Cămpuchia, ngày 20/12/2016; với Cộng hòa Séc, ngày 07/6/2017).
3. Đã hoàn thành đàm phán 01 hiệp định về dẫn độ (với Cộng hòa Ca-dắc-xtan, đàm phán tháng 12/2016) và 01 hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù (với Cộng hòa Ca-dắc-xtan, tháng 6/2017).
4. Đã hoàn thành thủ tục đề xuất đàm phán 01 hiệp định về dẫn độ (với Nhà nước I-xra-en) và 03 hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù (với Cộng hòa Mô-dăm-bích, Cộng hòa Bun-ga-ri và Nhà nước I-xra-en).
II. Tình hình thực hiện các yêu cầu dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù
1. Về dẫn độ
Từ tháng 10/2016 đến tháng 9/2017, Bộ Công an đã lập và chuyển 08 hồ sơ yêu cầu dẫn độ đối tượng từ nước ngoài về Việt Nam (03 yêu cầu theo các hiệp định song phương giữa Việt Nam và các nước và 05 yêu cầu theo nguyên tắc có đi có lại); bổ sung thông tin đối với 01 yêu cầu dẫn độ. Bộ Công an đã tiếp nhận 02 đối tượng bị dẫn độ từ nước ngoài về Việt Nam.
Bộ Công an cũng đã tiếp nhận và xử lý 03 yêu cầu dẫn độ của nước ngoài (02 yêu cầu theo hiệp định song phương và 01 yêu cầu theo nguyên tắc có đi có lại) và tiếp tục xử lý 10 yêu cầu dẫn độ đã tiếp nhận trước đó (02 yêu cầu theo hiệp định song phương, 08 yêu cầu theo nguyên tắc có đi có lại); trong đó, 08 đối tượng đã bị dẫn độ về quốc gia yêu cầu, 02 yêu cầu bị từ chối do đối tượng không có mặt trên lãnh thổ Việt Nam, đề nghị bổ sung thông tin đối với 02 yêu cầu và chuyển Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết 01 yêu cầu.
2. Về chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù
Bộ Công an đã tiếp nhận và giải quyết 01 hồ sơ chuyển giao người bị kết án phạt tù từ nước ngoài về Việt Nam (theo nguyên tắc có đi có lại); 12 hồ sơ chuyển giao người bị kết án phạt tù từ Việt Nam ra nước ngoài (theo hiệp định song phương). Đến nay, Bộ Công an đã tổ chức bàn giao 01 phạm nhân ra nước ngoài và tiếp nhận 01 phạm nhân về Việt Nam tiếp tục chấp hành hình phạt tù.
III. Một số nhận xét và kiến nghị:
1. Bộ Công an đã nhiều lần có công văn trao đổi với Bộ Tư pháp về các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện công tác dẫn độ, chuyển giao người bị kết án phạt tù do nhiều quy định của Luật tương trợ tư pháp năm 2007 chưa tương thích với các hiệp định về tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ, chuyển giao người bị kết án phạt tù mà Việt Nam là thành viên cũng như chưa phù hợp với thực tiễn giải quyết các công tác này, đồng thời đề nghị sớm tiến hành sửa đổi Luật tương trợ tư pháp năm 2007 theo hướng tách riêng các thành 04 luật (tương trợ tư pháp về dân sự, tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ, chuyển giao người bị kết án phạt tù). Đề nghị Bộ Tư pháp khẩn trương nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đề xuất sửa đổi Luật tương trợ tư pháp để kịp thời đáp ứng các yêu cầu thực tiễn đặt ra.
2. Thực hiện quy định của Luật điều ước quốc tế năm 2016, thời gian qua, Bộ Công an đã chủ trì đề xuất trình Chính phủ báo cáo Chủ tịch nước về việc đàm phán, ký, phê chuẩn trên 20 hiệp định về dẫn độ, chuyển giao người bị kết án phạt tù. Quá trình triển khai thực hiện, Bộ Công an nhận thấy có một số khó khăn, vướng mắc như sau:
- Theo quy định tại Điều 17 Luật điều ước quốc tế năm 2016, hồ sơ trình về đề xuất ký điều ước quốc tế phải bao gồm: (1) Báo cáo đánh giá tác động chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế - xã hội và các tác động khác của điều ước quốc tế, (2) Báo cáo đánh giá sự tương thích của điều ước quốc tế đề xuất ký với điều ước quốc tế trong cùng lĩnh vực mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và (3) Báo cáo đánh giá sự phù hợp giữa quy định của điều ước quốc tế với quy định của pháp luật Việt Nam. Bộ Công an cho rằng quy định này là cứng nhắc và chỉ phù hợp với việc đề xuất ký các điều ước quốc tế đa phương hoặc điều ước quốc tế song phương có nhiều nội dung phức tạp, nhạy cảm. Đối với các hiệp định song phương về tương trợ tư pháp nói chung và về dẫn độ, chuyển giao người bị kết án phạt tù nói riêng, đây là các điều ước quốc tế nhằm thiết lập cơ sở pháp lý cho việc hợp tác trong phòng, chống tội phạm và thi hành án, được đàm phán, ký kết trên cơ sở tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của Việt Nam và nước đối tác và luôn căn cứ trên các các hiệp định đã ký kết trong cùng lĩnh vực. Do vậy, việc xây dựng các báo cáo riêng như trên sẽ gây lãng phí không cần thiết.
- Hiện nay, khi Bộ Công an trình Chính phủ báo cáo Chủ tịch nước về việc đàm phán, ký, phê chuẩn các hiệp định, Văn phòng Chính phủ thường yêu cầu Bộ Công an xây dựng tờ trình của Chính phủ trình Chủ tịch nước và lãnh đạo Bộ Công an phải ký nháy vào tờ trình này. Tuy nhiên, Văn phòng Chính phủ không cung cấp các hướng dẫn cụ thể, thống nhất về nội dung và thể thức văn bản, thậm chí có trường hợp tờ trình được xây dựng theo đúng một tờ trình khác vừa được Thủ tướng ký nhưng cán bộ Văn phòng Chính phủ vẫn thông báo là không đúng thể thức, dẫn đến việc Bộ Công an phải sửa lại nhiều lần tờ trình của Chính phủ. Do vậy, đề nghị Văn phòng Chính phủ cung cấp các hướng dẫn đầy đủ để tạo điều kiện thuận lợi cho các bộ, ngành trong quá trình đề xuất đàm phán, ký kết các hiệp định.
Trên đây là tình hình công tác tương trợ tư pháp từ tháng 10/2016 đến tháng 9/2017 của Bộ Công an, xin kính gửi các đồng chí tập hợp, báo cáo Chính phủ./.
Nơi nhận: - Như trên; - Đ/c Bộ trưởng (để báo cáo); - V12, các Tổng cục: I, II, VIII; - Lưu: VT, V19. | KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Thượng tướng Lê Quý Vương |