Loading...
Skip to main content

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

-------------

Số: 19/TANDTC-HTQT

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – tự do – Hạnh phúc

-----------------

Hà Nội, ngày 12 tháng 10 năm 2016

THÔNG BÁO

VỀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÔNG TÁC TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP

NĂM 2016

Kính gửi: Bộ Tư pháp

Thực hiện quy định tại Điều 63 Luật tương trợ tư pháp năm 2007, Tòa án nhân dân tối cao thông báo đến Bộ Tư pháp kết quả thực hiện công tác tương trợ tư pháp năm 2016 của Tòa án nhân dân (từ ngày 01/10/2015 đến hết ngày 30/9/2016) như sau:

PHẦN THỨ NHẤT

TÌNH HÌNH VÀ KẾT QUẢ CÔNG TÁC TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP

I. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN HOẠT ĐỘNG TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP

1. Công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động tương trợ tư pháp

Trong năm 2016, Tòa án nhân dân tối cao đã tập trung chỉ đạo các Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các Tòa án nhân dân cấp cao (sau đây viết tắt là Tòa án cấp tỉnh và Tòa án cấp cao) tiếp tục tổ chức thực hiện đúng quy định của Luật tương trợ tư pháp năm 2007, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật này và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên khi yêu cầu ủy thác tư pháp ra nước ngoài; thực hiện yêu cầu ủy thác tư pháp về dân sự, xem xét yêu cầu dẫn độ, chuyển giao người đang thi hành hình phạt tù của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài. Đồng thời, Tòa án nhân dân tối cao cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc của Tòa án nhân dân tối cao làm tốt công tác tham mưu phục vụ công tác phối hợp giữa Tòa án nhân dân tối cao với các bộ, ngành liên quan về đàm phán, ký kết, gia nhập điều ước quốc tế trong lĩnh vực tương trợ tư pháp; tổ chức rà soát văn bản quy phạm pháp luật, điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp để xây dựng, hoàn thiện thể chế về hoạt động tương trợ tư pháp.

2. Công tác tổ chức thực hiện hoạt động tương trợ tư pháp

Trong năm 2016, Tòa án nhân dân tối cao đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan trong việc tiến hành rà soát, tổng kết thực tiễn thi hành Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 và các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp mà Việt Nam là thành viên; xây dựng dự thảo Thông tư liên tịch quy định về việc phối hợp trong hoạt động tương trợ tư pháp về dân sự; soạn thảo tài liệu nghiệp vụ về tương trợ tư pháp về dân sự; tổ chức Hội thảo giới thiệu Công ước tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại (sau đây viết tắt là Công ước tống đạt giấy tờ) cho các Tòa án cấp tỉnh và Tòa án cấp cao; bàn biện pháp tháo gỡ một số vướng mắc phát sinh từ thực tiễn ủy thác tư pháp về dân sự theo quy định của Luật tương trợ tư pháp năm 2007.

Trên cơ sở chỉ đạo của Tòa án nhân dân tối cao và căn cứ trách nhiệm của mình, các Tòa án cấp tỉnh, Tòa án cấp cao và các đơn vị trực thuộc của Tòa án nhân dân tối cao đã tích cực triển khai công tác tương trợ tư pháp, xây dựng, hoàn thiện thể chế về tương trợ tư pháp nên đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ.

II. CÔNG TÁC XÂY DỰNG VÀ HOÀN THIỆN THỂ CHẾ

1. Công tác triển khai thi hành các Bộ luật, luật có quy định về tương trợ tư pháp; xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định về quan hệ phối hợp trong công tác tương trợ tư pháp về dân sự

Trong những tháng đầu năm công tác 2016, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế về tương trợ tư pháp trong tố tụng dân sự và tố tụng hành chính đã đạt được nhiều chuyển biến tích cực với sự kiện dự án Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) và dự án Luật tố tụng hành chính (sửa đổi) do Tòa án nhân dân tối cao chủ trì soạn thảo được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 25/11/2015 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2016. Trong đó, phần thủ tục giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 có nhiều quy định mới để khắc phục những hạn chế, bất cập cơ bản của Bộ luật này cũng như các khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn Tòa án yêu cầu ủy thác tư pháp ra nước ngoài. Tương tự, Luật tố tụng hành chính năm 2015 cũng có phần quy định mới về thủ tục giải quyết vụ án hành chính có yếu tố nước ngoài, bao gồm các quy định về yêu cầu ủy thác tư pháp ra nước ngoài. Những quy định nêu trên của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và Luật tố tụng hành chính năm 2015 đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho Tòa án cấp tỉnh và Tòa án cấp cao khi giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính có đương sự ở nước ngoài; qua đó, góp phần bảo vệ kịp thời lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, các nhà đầu tư trong nước cũng như nhà đầu tư nước ngoài; đóng góp thiết thực cho việc cải thiện môi trường kinh doanh trong nước, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh và thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài.

Sau khi các Bộ luật, luật có liên quan đến hoạt động tương trợ tư pháp của Tòa án được Quốc hội thông qua, tại Hội nghị triển khai công tác Tòa án nhân dân dân năm 2016, Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức quán triệt, triển khai thi hành Bộ luật tố tụng dân sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật tố tụng hành chính, các nghị quyết của Quốc hội về thi hành các Bộ luật, luật này cho các đồng chí Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án cấp cao, Tòa án quân sự Trung ương và đại diện lãnh đạo các Tòa án cấp tỉnh. Đồng thời, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành các kế hoạch triển khai thi hành đối với từng Bộ luật, luật và tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn chi tiết nội dung các Bộ luật, luật nêu trên cho các chức danh tư pháp của các Tòa án để Thẩm phán, cán bộ Tòa án các cấp có điều kiện được tham gia tập huấn. Bên cạnh đó, Tòa án nhân dân tối cao đã phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao trong việc xây dựng dự thảo Thông tư liên tịch thay thế Thông tư liên tịch thay thế Thông tư liên tịch số 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC ngày 15/9/2011 của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Tòa án nhân dân tối cao “Hướng dẫn áp dụng một số quy định về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của Luật tương trợ tư pháp” (sau đây viết tắt là Thông tư liên tịch số 15/2011). Trong quá trình xây dựng dự thảo Thông tư liên tịch, Tòa án nhân dân tối cao đã phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức một cuộc hội thảo tại thành phố Hồ Chí Minh để giới thiệu các nội dung cơ bản của dự thảo Thông tư liên tịch cho các thẩm phán, cán bộ của 31 Tòa án tỉnh phía Nam và miền Trung. Hiện nay, dự thảo Thông tư liên tịch này đang được lấy ý kiến của các thành viên Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Trên cơ sở đó, Tòa án nhân dân tối cao sẽ có công văn chính thức gửi Bộ Tư pháp để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Thông tư liên tịch trước khi trình Lãnh đạo từng cơ quan xem xét ký, ban hành vào giữa tháng 10 năm 2016.

2. Công tác nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Tương trợ tư pháp năm 2007

Luật Tương trợ tư pháp được Quốc hội khoá XII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 21/11/2007 và có hiệu lực vào ngày 01/7/2008. Cho đến nay, sau hơn 8 năm thi hành, bên cạnh là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thực hiện các yêu cầu ủy thác tư pháp về hình sự, dân sự, xem xét yêu cầu dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù trên cơ sở các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và theo nguyên tắc có đi có lại, thì Luật này đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập cần phải được khắc phục.

Kết quả công tác rà soát, tổng kết thực tiễn thi hành Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 và các điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên cho thấy Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cơ bản sau đây:

2.1. Về các hạn chế, bất cập cơ bản của Luật Tương trợ tư pháp năm 2007

a) Về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự

Thứ nhất, quy định của Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 không tạo điều kiện thuận lợi cho Tòa án cấp huyện tiến hành các hoạt động tố tụng theo thẩm quyền đã được quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự. Cụ thể, trước đây, theo quy định tại Điều 412 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 thì Tòa án cấp huyện được tiếp tục giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài đã thụ lý đúng thẩm quyền mặc dù trong quá trình giải quyết có sự thay đổi quốc tịch, nơi cư trú, địa chỉ của các đương sự hoặc có tình tiết mới làm cho vụ việc dân sự đó thuộc thẩm quyền của Tòa án khác của Việt Nam hoặc của Tòa án nước ngoài. Quy định nêu trên được tiếp tục kế thừa tại Điều 471 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Như vậy, trong quá giải quyết loại vụ việc dân sự nêu trên mà có đương sự ra nước ngoài cư trú hoặc phát sinh tình tiết mới cần thu thập chứng cứ ở nước ngoài thì Tòa án cấp huyện phải tống đạt văn bản tố tụng ra nước ngoài cho đương sự đó hoặc phải tiến hành thu thập chứng cứ ở nước ngoài thông qua phương thức ủy thác tư pháp ra nước ngoài. Tuy nhiên, Điều 68 Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 lại quy định chỉ riêng Tòa án cấp tỉnh mới có thẩm quyền yêu cầu ủy thác tư pháp ra nước ngoài nên đã dẫn đến tình trạng Tòa án cấp huyện phải thông qua Tòa án cấp tỉnh để chuyển hồ sơ ủy thác tư pháp cho Bộ Tư pháp để chuyển ra nước ngoài hoặc cho Bộ Ngoại giao. Quy trình thực hiện yêu cầu ủy thác tư pháp ra nước ngoài như trên đã và đang tạo ra các khâu trung gian không cần thiết và ảnh hưởng trực tiếp đến thời hạn giải quyết vụ việc dân sự của Tòa án cấp huyện và việc thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự ở nước ngoài.

Thứ hai, mặc dù Điều 16 Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 quy định chi phí thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự giữa Việt Nam và nước ngoài do nước yêu cầu chi trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác nhưng trên thực tế quy định này chưa thể thực hiện được do Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 vẫn giao Tòa án cấp tỉnh thực hiện miễn phí yêu cầu tương trợ tư pháp của nước ngoài, kể cả yêu cầu theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và yêu cầu theo nguyên tắc có đi có lại. Tuy nhiên, việc thực hiện miễn phí yêu cầu tương trợ tư pháp (chủ yếu là tống đạt giấy tờ) đã không còn phù hợp với bối cảnh Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức thứ 71 của Công ước tống đạt giấy tờ từ ngày 01/10/2016. Trong thời gian tới, khi thực hiện Công ước này, thì Tòa án cấp tỉnh không những chỉ tống đạt cả văn bản của Tòa án nước ngoài mà còn phải tống đạt các văn bản khác không do Tòa án nước ngoài ban hành cho các đương sự ở Việt Nam. Trước tình hình đó, nhiều khả năng Tòa án cấp tỉnh sẽ không đủ nguồn nhân lực, kinh phí để thực hiện các yêu cầu tống đạt giấy tờ của các nước thành viên Công ước này nếu số lượng yêu cầu tống đạt gửi đến Việt Nam tăng cao. Mặt khác, Công ước tống đạt giấy tờ cũng có quy định cho phép nước thành viên Công ước thu chi phí thực hiện yêu cầu tống đạt trong một số trường hợp nhất định. Kết quả thống kê cho thấy đã có 31 nước thành viên Công ước tống đạt giấy tờ tuyên bố thu chi phí thực hiện yêu cầu tống đạt giấy tờ khi nhận được yêu cầu tống đạt từ nước thành viên khác của Công ước này. Vì vậy, phù hợp với quy định của Công ước tống đạt giấy tờ cũng như để tiết kiệm ngân sách cho Nhà nước và giúp các Tòa án cấp tỉnh tập trung nâng cao chất lượng công tác giải quyết, xét xử các vụ việc thuộc thẩm quyền, thì cần phải sửa đổi, bổ sung Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 theo hướng cho phép Công ty Luật, Văn phòng Thừa phát thực hiện tống đạt giấy tờ của nước ngoài cho các đương sự tại Việt Nam. Các chi phí thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp nêu trên sẽ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thanh toán cho Công ty Luật hoặc Văn phòng Thừa phát lại. Cách thức này cũng đã được nhiều nước thành viên của Công ước tống đạt giấy tờ như Hoa Kỳ, Pháp, Ca-na-đa...thực hiện và đạt kết quả tốt nên Việt Nam cũng cần tham khảo.

Thứ ba, khoản 1 Điều 67 Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 quy định việc tống đạt, thông báo văn bản tố tụng của Tòa án, Viện kiểm sát cho công dân Việt Nam ở nước ngoài là yêu cầu ủy thác tư pháp. Tuy nhiên, quy định này lại mâu thuẫn với định nghĩa về ủy thác tư pháp được quy định tại khoản 1 Điều 6, khoản 1 Điều 13 của Luật này ; khoản 13 Điều 8 Luật cơ quan đại diện Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài năm 2009, theo đó cơ quan này chỉ có trách nhiệm hỗ trợ cơ quan có thẩm quyền trong nước tống đạt giấy tờ, tài liệu cho công dân Việt Nam ở nước ngoài. Mặc dù hiện nay việc tống đạt, thông báo văn bản tố tụng cho đương sự là công dân Việt Nam ở nước ngoài được thực hiện theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 474 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 nhưng khi Luật tương trợ tư pháp năm 2007 được sửa đổi thì cũng cần phải sửa đổi quy định tại khoản 1 Điều 67 Luật này để phù hợp với quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và Luật cơ quan đại diện Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài năm 2009.

b) Về vấn đề cam kết không áp dụng án tử hình hoặc có áp dụng nhưng không được thi hành trong tương trợ tư pháp về hình sự và dẫn độ

Vấn đề cam kết không áp dụng án tử hình hoặc có áp dụng nhưng không được thi hành khi yêu cầu dẫn độ đã được quy định tại một số hiệp định tương trợ tư pháp và hiệp định về dẫn độ giữa Việt Nam và nước ngoài (Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam với Bê-la-rút (có hiệu lực từ ngày 18/10/2001); Hiệp định về dẫn độ giữa Việt Nam với Ốt-xtrây-li-a năm 2012 (có hiệu lực từ ngày 7/4/2014); Hiệp định về dẫn độ giữa Việt Nam với In-đô-nê-xi-a năm 2013 (có hiệu lực từ ngày 26/4/2015) và Nghị định thư bổ sung Hiệp định giữa Việt Nam và Liên bang Nga về tương trợ tư pháp và pháp lý về dân sự và hình sự năm 1998 (có hiệu lực từ ngày 27/7/2012). Tuy nhiên, khác với các hiệp định dẫn độ, vấn đề cam kết không áp dụng án tử hình không được quy định tại các hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự mà Việt Nam là thành viên hoặc đã ký với nước ngoài trong nhiều năm gần đây. Thực tế cho thấy đây là một vấn đề hết sức khó khăn, phức tạp nhưng chưa được bất kỳ một văn bản quy phạm pháp luật nào quy định. Do đó, trên thực tế, có một số trường hợp khi Việt Nam yêu cầu nước ngoài thực hiện việc dẫn độ hoặc thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc nguyên tắc có đi có lại thì nước được Việt Nam yêu cầu đặt điều kiện nước đó chỉ xem xét, thực hiện yêu cầu dẫn độ hoặc yêu cầu tương trợ tư pháp nếu Việt Nam cam kết bằng văn bản về việc không áp dụng hình phạt tử hình hoặc nếu có áp dụng thì cũng không được thi hành với bị can, bị cáo trong vụ án hình sự phát sinh yêu cầu tương trợ tư pháp hoặc yêu cầu dẫn độ. Tuy nhiên, do không có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về vấn đề này nên giữa các cơ quan liên quan (Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp) đã gặp khó khăn về cơ sở pháp lý trong nước để xem xét yêu cầu của phía nước ngoài cũng như thống nhất quan điểm về cơ quan có thẩm quyền lập, ký văn bản trả lời cho nước ngoài, đặc biệt trong trường hợp Việt Nam đồng ý cam kết theo yêu cầu của nước ngoài. Vì vậy, Tòa án nhân dân tối cao cho rằng đây là một trong những vấn đề hết sức quan trọng cần được quan tâm, xem xét khi tiến hành sửa đổi Luật Tương trợ tư pháp năm 2007.

c) Về thủ tục Tòa án xem xét yêu cầu dẫn độ và yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù

Các thủ tục này được quy định tại Chương IV và Chương V Luật Tương trợ tư pháp năm 2007. Tuy nhiên, qua rà soát, thì Tòa án nhân dân tối cao thấy rằng các quy định về thủ tục Tòa án xem xét yêu cầu dẫn độ, yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù tại Chương IV và Chương V nêu trên còn thiếu hoặc chưa cụ thể nên chưa thuận tiện cho Tòa án cũng như Viện kiểm sát thực hiện nhiệm vụ của mình. Cụ thể, Chương IV và Chương V Luật này chưa có các quy định về việc: (i) Tòa án chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát nghiên cứu, thời hạn nghiên cứu hồ sơ của Viện kiểm sát; (ii) Các căn cứ để Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết yêu cầu; hoãn phiên họp xem xét yêu cầu (iii) Thẩm quyền cụ thể của Hội đồng phúc thẩm trong việc giải quyết kháng cáo, kháng nghị.

Do đó, khi xem xét yêu cầu dẫn độ, Tòa án, Viện kiểm sát sẽ không thống nhất được cách thức giải quyết yêu cầu dẫn độ trong các trường hợp sau đây: không biết rõ người bị yêu cầu dẫn độ đang ở đâu; đã có kết luận giám định tư pháp hoặc đang chờ kết luận giám định tư pháp xác định người bị yêu cầu dẫn độ có bị tâm thần hay không; người bị yêu cầu dẫn độ mắc bệnh hiểm nghèo...mà thời hạn chuẩn bị xem xét yêu cầu dẫn độ đã hết. Bên cạnh đó, Tòa án cũng sẽ gặp khó khăn trong việc đưa ra quyết định hoãn hay không hoãn phiên họp giải quyết yêu cầu dẫn độ trong các trường hợp người bị yêu cầu dẫn độ, Luật sư hoặc người đại diện hợp pháp của người bị yêu cầu dẫn độ hoặc Kiểm sát viên không có mặt tại phiên họp.

Tương tự, đối với việc xem xét yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cũng sẽ gặp khó khăn về cách thức giải quyết trong các trường hợp như: cần phải chờ kết luận giám định tư pháp để xác định người đang chấp hành hình phạt tù có bị tâm thần hay không hoặc người này đang trong quá trình bắt buộc chữa bệnh hoặc bị bệnh hiểm nghèo mà thời hạn chuẩn bị xem xét yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù đã hết. Ngoài ra, Tòa án cũng sẽ gặp khó khăn trong việc đưa ra quyết định hoãn hay không hoãn phiên họp giải quyết yêu cầu chuyển giao hay không trong các trường hợp người đang chấp hành hình phạt tù, Luật sư hoặc người đại diện hợp pháp của người đang chấp hành hình phạt tù hoặc Kiểm sát viên không có mặt tại phiên họp.

2.2. Đề xuất về các định hướng lớn sửa đổi Luật Tương trợ tư pháp năm 2007

Tòa án nhân dân tối cao thấy rằng Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 cần phải được nghiên cứu, sửa đổi toàn diện theo một số định hướng lớn sau đây:

Thứ nhất, cần nghiên cứu, xem xét khả năng tách Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 thành các luật cụ thể tương ứng với từng lĩnh vực tương trợ tư pháp về dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù để phù hợp thông lệ quốc tế và thực tiễn công tác đàm phán, ký các điều ước quốc tế của Việt Nam trong các lĩnh vực nêu trên từ năm 2012 đến nay. Trước đây, một trong những mục đích chính mà Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 được xây dựng, thông qua là để nội luật hóa các quy định của 12 điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp ký với nước ngoài (Liên bang Nga, U-crai-na, Bê-la-rút, Ba Lan, Hung-ga-ri, Bun-ga-ri, Tiệp Khắc (Séc và Xlô-va-ki-a kế thừa), Mông Cổ, Cu Ba, Triều Tiên, Trung Quốc, Lào) nên đã điều chỉnh cả 4 nội dung quy định tại các hiệp định nêu trên (tương trợ tư pháp về dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù). Tuy nhiên, sau khi Luật Tương trợ tư pháp được ban hành đến nay, thì công tác đàm phán, ký hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và nước ngoài được thực hiện theo chủ trương mới, theo đó nội dung của mỗi hiệp định được đàm phán, ký theo từng lĩnh vực cụ thể. Xu hướng đàm phán, ký hiệp định riêng rẽ về các vấn đề tương trợ tư pháp về dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù là hướng đi đúng, phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước, thông lệ quốc tế và nhu cầu hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực này giữa Việt Nam và nước ngoài.

Bên cạnh đó, trong những năm vừa qua, Việt Nam đã và đang tích cực nghiên cứu, gia nhập các điều ước quốc tế đa phương có liên quan; bước đầu đã đạt được kết quả quan trọng với sự kiện trở thành thành viên chính thức của Công ước tống đạt giấy tờ từ ngày 01/10/2016. Việc gia nhập Công ước này đã tạo nhiều thuận lợi cho các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, đặc biệt là Tòa án thực hiện trực tiếp một số hoạt động tố tụng không phải qua phương thức ủy thác tư pháp quy định tại Luật Tương trợ tư pháp năm 2007, theo đó Tòa án có quyền tống đạt văn bản tố tụng cho đương sự ở nước ngoài theo đường bưu chính hoặc thông qua cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài để tống đạt cho đương sự. Như vậy, việc duy trì phạm vi điều chỉnh 4 lĩnh vực (tương trợ tư pháp về dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù) trong Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 không còn phù hợp với thực tiễn công tác đàm phán, ký kết, gia nhập điều ước quốc tế của Việt Nam và quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và Luật tố tụng hành chính năm 2015.

Thứ hai, Luật Tương trợ tư pháp cần được sửa đổi để khắc phục các hạn chế, bất cập cơ bản phát sinh từ thực tiễn công tác tương trợ tư pháp về dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù như đã nêu trên; tiếp tục nội luật hóa các quy định của các điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên; góp phần thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù giữa Việt Nam và nước ngoài một cách nhanh chóng, hợp lý và có hiệu quả; góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước Việt Nam, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam; bảo vệ các quyền cơ bản của công dân Việt Nam; bảo vệ, phát huy quyền con người.

III. KÝ KẾT, GIA NHẬP VÀ THỰC HIỆN ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ VỀ TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP

1. Đàm phán, ký kết các Hiệp định tương trợ tư pháp song phương

Trong năm 2016, hoạt động đàm phán, ký kết điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong các lĩnh vực hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù có những bước tiến đáng ghi nhận về cả số lượng và chất lượng các điều ước được đàm phán, ký kết. Trong quá trình đó, Tòa án nhân dân tối cao đã tích cực đóng góp ý kiến bằng văn bản, tham gia Đoàn đàm phán của Việt Nam đàm phán một số hiệp định, bao gồm: Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam với Cam-pu-chia; giữa Việt Nam với Ca-dắc-xtan; giữa Việt Nam với Mô-dăm-bích và một số Hiệp định chuyển giao người bị kết án phạt tù, Hiệp định về dẫn độ giữa Việt Nam với một số nước khác.

2. Gia nhập các điều ước quốc tế đa phương

Tháng 3 năm 2016, Tòa án nhân dân tối cao đã cử cán bộ làm thành viên Đoàn công tác của Chính phủ Việt Nam tham dự phiên họp của Hội nghị La Hay về Tư pháp quốc tế và trình hồ sơ của Việt Nam về việc gia nhập Công ước tống đạt giấy tờ. Việc Việt Nam trở thành thành viên của Công ước này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc khắc phục các hạn chế, khó khăn phát sinh từ thực tiễn tống đạt văn bản tố tụng ra nước ngoài của Tòa án Việt Nam. Bên cạnh đó, để tiếp tục tạo cơ sở pháp lý hỗ trợ cho hoạt động tố tụng dân sự trong nước, giải quyết vấn đề quyền trực tiếp nuôi dưỡng trẻ em, hạn chế tình trạng đưa trẻ em ra nước ngoài mà không có sự đồng ý của cha, mẹ là người có quyền trực tiếp nuôi dưỡng trẻ em, Tòa án nhân dân tối cao đã tích cực phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc nghiên cứu khả năng Việt Nam gia nhập một số Công ước quan trọng khác của Hội nghị La Hay như Công ước năm 1970 về thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại và Công ước La Hay năm 1980 về các khía cạnh dân sự của trẻ em quốc tế bị bắt cóc.

3. Tổ chức thực hiện các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp

a) Rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các điều ước quốc tế

Trong năm 2016, Tòa án nhân dân tối cao đã tiến hành rà soát, đánh giá tình hình thực hiện một số Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự mà Việt Nam là thành viên. Kết quả công tác rà soát cho thấy chỉ có một số hiệp định có quy định về việc Việt Nam và nước thành viên Hiệp định sẽ trao đổi ý kiến với nhau về việc thực hiện hiệp định theo cơ chế hợp tác hiện hành giữa hai bên (Hiệp định giữa Việt Nam và Bê-la-rút; Việt Nam và Liên bang Nga; Việt Nam và U-crai-na; Việt Nam và Ka-dắc-xtan) hoặc hai bên sẽ tiến hành rà soát, đánh giá tình hình thực hiện hiệp định (Hiệp định giữa Việt Nam và Căm-pu-chia; giữa Việt Nam và Pháp; giữa Việt Nam và Căm-pu-chia); các hiệp định còn lại không có các quy định nêu trên. Trên thực tế, từ nhiều năm trước đây, việc thực hiện các quy định nêu trên chưa được nhiều nên đã ảnh hưởng đến kết quả thực hiện tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và nước thành viên hiệp định. Trong năm 2016, Tòa án nhân dân tối cao thấy rằng công tác này đã Bộ Tư pháp của Việt Nam quan tâm nhiều hơn thông qua việc chủ động liên hệ với một số nước thành viên hiệp định để xử lý các vấn đề về tổ chức thực hiện tương trợ tư pháp giữa hai bên. Do đó, trong thời gian tới, Tòa án nhân dân tối cao cho rằng Bộ Tư pháp cần thúc đẩy mạnh mẽ công tác này theo hướng đề xuất với các nước thành viên hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự với Việt Nam tổ chức các cuộc họp định kỳ năm hoặc hai năm trên lãnh thổ của mỗi nước để giải quyết các khó khăn, vướng mắc nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho việc thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự của hai bên cũng như đề xuất, thống nhất sửa đổi, bổ sung các quy định của hiệp định không còn phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế.

b) Tổ chức thực hiện các điều ước quốc tế

Trong năm 2016, Tòa án nhân dân tối cao đã phối hợp với Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao tổ chức phổ biến, quán triệt nội dung Công ước tống đạt, quy trình ủy thác tư pháp cho các Toà án cấp tỉnh và Tòa án cấp cao để tạo sự thống nhất về nhận thức và triển khai thực hiện. Trên cơ sở chỉ đạo của Tòa án nhân dân tối cao, các Tòa án cấp tỉnh và Tòa án cấp cao đã tổ chức quán triệt, thực thi các hiệp định, thỏa thuận tương trợ tư pháp trong quá trình ủy thác tư pháp ra nước ngoài và thực hiện yêu cầu ủy thác tư pháp về dân sự của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài; xem xét, quyết định dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù. Trên cơ sở đó, trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài, đặc biệt là vụ việc dân sự có đương sự ở nước ngoài, các Tòa án cấp tỉnh và Tòa án cấp cao đã quan tâm hơn trong việc áp dụng đúng và thống nhất các quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên khi thực hiện yêu cầu ủy thác tư pháp ra nước ngoài. Song song với đó, công tác thực hiện yêu cầu ủy thác tư pháp, xem xét yêu cầu dẫn độ của nước ngoài theo quy định tại một số hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam và theo nguyên tắc có đi có lại cũng được các Tòa án cấp tỉnh thực hiện ngày càng nề nếp, nghiêm túc hơn nên đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ.

IV. THỰC HIỆN YÊU CẦU ỦY THÁC TƯ PHÁP

1. Kết quả thực hiện yêu cầu ủy thác tư pháp về dân sự

Trong năm 2016, số lượng yêu cầu ủy thác tư pháp về dân sự của các Tòa án cấp tỉnh ra nước ngoài và yêu cầu ủy thác tư pháp về dân sự của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài do Tòa án cấp tỉnh thực hiện vẫn duy trì ở mức tương đương với năm 2015. Cụ thể như sau:

a) Đối với yêu cầu ủy thác tư pháp ra nước ngoài

Trong thời gian từ ngày 01/10/2015 đến ngày 30/9/2016, các Tòa án cấp tỉnh đã gửi ra nước ngoài 3469 yêu cầu ủy thác tư pháp. Tương tự năm 2015, các nước chủ yếu được Tòa án cấp tỉnh yêu cầu thực hiện ủy thác tư pháp là Hoa Kỳ, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ốt-xtrây-li-a, Đài Loan, Pháp, Trung Quốc và Ca-na-đa. Các yêu cầu ủy thác tư pháp chủ yếu là tống đạt văn bản tố tụng của Tòa án (thông báo thụ lý vụ án, yêu cầu cung cấp chứng cứ, thông báo mở phiên hòa giải, quyết định đưa vụ án ra xét xử, bản án sơ thẩm) cho bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ở nước ngoài trong các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình…Đa số các yêu cầu ủy thác tư pháp là của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (chiếm khoảng 70%), tiếp sau đó là Toà án nhân dân các tỉnh, thành phố Hà Nội, Trà Vinh, Vĩnh Long, Tây Ninh, Bạc Liêu, Sóc Trăng.

Về kết quả, có 2126/3469 yêu cầu ủy thác tư pháp đã được thực hiện, đạt tỷ lệ 61,3% tổng số yêu cầu ủy thác tư pháp ra nước ngoài. Số lượng yêu cầu ủy thác tư pháp mà Tòa án chưa nhận được kết quả thực hiện là 1343 yêu cầu, chiếm 38,7% tổng số yêu cầu ủy thác tư pháp ra nước ngoài.

b) Đối với yêu cầu ủy thác tư pháp của cơ quan thẩm quyền nước ngoài

Trong giai đoạn từ ngày 01/10/2015 đến ngày 30/9/2016, các Tòa án cấp tỉnh đã nhận được 666 yêu cầu ủy thác tư pháp về dân sự của các nước, vùng lãnh thổ. Đa số các yêu cầu ủy thác tư pháp là để tống đạt văn bản tố tụng của Tòa án nước ngoài (thông báo thụ lý, thời gian, địa điểm mở phiên tranh luận, phiên tòa và bản án của Tòa án) cho đương sự là công dân Việt Nam. Sau khi nhận được yêu cầu ủy thác tư pháp, các Tòa án cấp tỉnh đã tổ chức xác minh địa chỉ, tống đạt trực tiếp cho đương sự tại nơi cư trú của họ.

Về kết quả, các Tòa án cấp tỉnh đã từ chối thực hiện 16 yêu cầu; đã thực hiện được 388/650 yêu cầu ủy thác tư pháp, đạt tỷ lệ 59.69% tổng số yêu cầu ủy thác tư pháp. Số yêu cầu ủy thác tư pháp còn lại (262 yêu cầu) là những yêu cầu mới nhận được vào các tháng 8 và tháng 9 năm 2016 đang được các Tòa án cấp tỉnh xác minh địa chỉ của đương sự để triển khai thực hiện.

2. Về kết quả xem xét yêu cầu dẫn độ của một số nước

Trong năm 2016, thực hiện thẩm quyền quy định tại Luật Tương trợ tư pháp năm 2007, một số Tòa án cấp tỉnh đã xem xét, chấp nhận 03 yêu cầu dẫn độ của cơ quan có thẩm quyền của Liên bang Nga, Cộng hòa Séc và Ma-lai-xi-a. Về cơ bản, các Tòa án cấp tỉnh thực hiện giải quyết các yêu cầu nêu trên đã tuân thủ các quy định của Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 và các hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và Liên bang Nga và giữa Việt Nam với Tiệp Khắc (Séc và Xlô-va-ki-a kế thừa). Trong ba yêu cầu dẫn độ nêu trên, đáng chú ý là yêu cầu dẫn độ của Ma-lai-xi-a, theo đó, cơ quan có thẩm quyền của nước này đề nghị Việt Nam cho phép dẫn độ đối với 08 công dân In-đô-nê-xi-a bị cáo buộc thực hiện vụ cướp tàu chở dầu MT Orkim Harmony của Ma-lai-xi-a. Ngày 12/9/2016, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên họp để xem xét yêu cầu dẫn độ của Ma-lai-xi-a. Sau khi xem xét, căn cứ các quy định của Luật Tương trợ tư pháp năm 2007, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã ra quyết định cho phép dẫn độ 08 công dân In-đô-nê-xi-a sang Ma-lai-xi-a để xét xử.

V. NHẬN XÉT, ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Về kết quả đạt được

Trong công tác chỉ đạo điều hành, Tòa án nhân dân tối cao đã bám sát các nhiệm vụ trọng tâm của năm 2016 về công tác tương trợ tư pháp, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp và Bộ, ngành liên quan để bàn và thống nhất biện pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn. Trên cơ sở chỉ đạo của Tòa án nhân dân tối cao và căn cứ thẩm quyền trách nhiệm của mình tại quy định của Luật tương trợ tư pháp năm 2007, các Tòa án cấp tỉnh đã có sự chủ động, tích cực trong việc triển khai thực hiện, qua đó đã từng bước nâng cao hiệu quả của công tác này trên thực tế. Đối với công tác ủy thác tư pháp ra nước ngoài, các Tòa án cấp tỉnh và một số Tòa án cấp cao đã tuân thủ quy trình lập, gửi hồ sơ ủy thác tư pháp ra nước ngoài theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 15/2011 nên hạn chế được tình trạng hồ sơ ủy thác tư pháp bị trả lại để hoàn thiện. Từ đó, số lượng yêu cầu ủy thác tư pháp mà Tòa án nhận được kết quả thực hiện tăng hơn so với năm 2015, tạo điều kiện thuận lợi cho Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án; hạn chế được một phần tình trạng Tòa án phải ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án để chờ kết quả ủy thác tư pháp như những năm trước đây. Đối với việc thực hiện yêu cầu ủy thác tư pháp của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, các Tòa án cấp tỉnh đã tích cực tiến hành xác minh địa chỉ của đương sự, thực hiện việc tống đạt trực tiếp hầu hết các yêu cầu ủy thác. Do đó, đã có 59.69% số yêu cầu ủy thác tư pháp loại này đã được các Tòa án cấp tỉnh thực hiện xong và gửi thông báo kết quả thực hiện cho Bộ Tư pháp.

Trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 đã có những quy định mới về thời hạn giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài và các phương thức tống đạt, thông báo văn bản tố tụng ra nước ngoài nên đã khắc phục được cơ bản những bất cập của Bộ luật này cũng như những hạn chế, khó khăn phát sinh từ thực tiễn yêu cầu ủy thác tư pháp ra nước ngoài trong công tác xét xử, giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài. ¬¬¬¬¬¬¬¬

Bên cạnh đó, việc hoàn thiện các quy định của Thông tư liên tịch thay thế Thông tư liên tịch số 15/2011 để phù hợp với quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và xác lập cơ sở cho pháp lý cho Tòa án thực thi Công ước tống đạt giấy tờ trong thời gian tới sẽ đóng góp đáng kể vào việc nâng cao hiệu quả, chất lượng thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự phục vụ tốt công tác giải quyết, xét xử vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài.

2. Về tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng công tác tương trợ tư pháp năm 2016 mà chủ yếu là công tác ủy thác tư pháp trong tố tụng dân sự và thực hiện yêu cầu ủy thác tư pháp về dân sự của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định, chưa phục vụ kịp thời việc giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài tại Tòa án cấp tỉnh và cam kết của Việt Nam về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về dân sự. Thực trạng này xuất phát từ cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó có cả nguyên nhân thể chế và thực thi pháp luật.

2.1. Về các tồn tại và hạn chế

a) Công tác giải quyết các vụ việc dân sự có đương sự ở nước ngoài

Công tác giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài vẫn gặp nhiều khó khăn phát sinh từ những hạn chế của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 về ủy thác tư pháp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng ra nước ngoài cho đương sự. Cụ thể là:

(i) Thời gian thực hiện yêu cầu ủy thác tư pháp ra nước ngoài còn khá dài, trung bình từ 6 đến 8 tháng, kể từ ngày Tòa án gửi hồ sơ yêu cầu ủy thác tư pháp cho Bộ Tư pháp. Do đó, chưa đáp ứng được yêu cầu về thời gian giải quyết vụ việc dân sự có đương sự ở nước ngoài tại các Tòa án cấp tỉnh và Tòa án cấp cao;

(ii) Số lượng hồ sơ ủy thác tư pháp của Tòa án Việt Nam chưa nhận được kết quả thực hiện hoặc không thực hiện được nên phải niêm yết công khai tại trụ sở của cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài vẫn còn cao.

b) Công tác thực hiện yêu cầu ủy thác tư pháp của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài

Trong năm 2016, mặc dù kết quả thực hiện yêu cầu ủy thác tư pháp của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài đã có những tiến bộ so với năm trước nhưng các Tòa án còn mất nhiều thời gian khi thực hiện yêu cầu ủy thác tư pháp cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.

c) Công tác đàm phán, ký kết, gia nhập điều ước quốc tế

Mặc dù công tác đàm phán, ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự đã được Bộ Tư pháp hết sức quan tâm nhưng cho đến nay số lượng các điều ước được ký kết còn chưa được nhiều. Bên cạnh đó, Việt Nam chỉ mới trình hồ sơ gia nhập Công ước tống đạt giấy tờ vào tháng 3 năm 2016 nên Công ước này chưa có hiệu lực đối với Việt Nam trong năm công tác 2016.

2.2. Về nguyên nhân

Qua tổng kết tình hình thực hiện công tác tương trợ tư pháp năm 2016, Tòa án nhân dân tối cao thấy rằng các các tồn tại, hạn chế nêu trên của công tác này xuất phát từ một số nguyên nhân cơ bản sau đây:

Thứ nhất, đối với công tác ủy thác tư pháp về dân sự ra nước ngoài, thì đa số yêu cầu ủy thác tư pháp đều đến các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Hoa Kỳ...Do đó, số lượng yêu cầu ủy thác tư pháp của Tòa án cấp tỉnh chưa được thực hiện còn nhiều. Tình trạng này xuất phát chủ yếu từ việc Việt Nam chưa phải là thành viên của Công ước tống đạt giấy tờ như các nước nêu trên nên việc thực hiện yêu cầu ủy thác tư pháp ra nước ngoài của Tòa án cấp tỉnh vẫn phải dựa trên nguyên tắc có đi có lại.

Thứ hai, đối với công tác thực hiện yêu cầu ủy thác tư pháp về dân sự của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, các Tòa án cấp tỉnh không được cấp kinh phí thực hiện; số lượng cán bộ, Thẩm phán có hạn; việc tổ chức thực hiện yêu cầu ủy thác tư pháp của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài mất rất nhiều thời gian vì Tòa án phải tiến hành xác minh địa chỉ cư trú của đương sự ở nhiều nơi khác nhau là những nguyên nhân chính dẫn đến kết quả của công tác này chưa đạt được kết quả tốt nhất.

Thứ ba, mặc dù Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 đã được Quốc hội thông qua ngày 25/11/2015 nhưng chỉ mới có hiệu lực từ ngày 01/7/2016 nên từ tháng 10 năm 2015 đến trước ngày Bộ luật này có hiệu lực, các Tòa án cấp tỉnh và Tòa án cấp cao vẫn áp phải áp dụng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 trong công tác xét xử, giải quyết vụ việc dân sự có đương sự ở nước ngoài.

PHẦN THỨ HAI

NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

NĂM 2017 VÀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ

Trên cơ sở tình hình và kết quả hoạt động tương trợ tư pháp trong năm 2016 và trước yêu cầu đặt ra đối với công tác này, Tòa án nhân dân tối cao xác định các nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp chủ yếu trong năm 2017 như sau:

I. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM NĂM 2017

1. Về công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện hoạt động tương trợ tư pháp

- Tiếp tục chỉ đạo các Tòa án cấp tỉnh và Tòa án cấp cao thực thi có chất lượng, hiệu quả công tác tương trợ tư pháp. Trên cơ sở đó, các Tòa án cấp tỉnh và Tòa án cấp cao tích cực, chủ động thực hiện tốt các khâu chuẩn bị cho các yêu cầu ủy thác tư pháp ra nước ngoài và thực hiện yêu cầu ủy thác tư pháp của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.

- Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Công ước tống đạt giấy tờ trong Tòa án nhân dân.

- Tổ chức một số lớp tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ về công tác tương trợ tư pháp, tống đạt văn bản tố tụng ra nước ngoài theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, Công ước tống đạt giấy tờ và Thông tư liên tịch thay thế Thông tư liên tịch số 15/2011; tăng cường hoạt động kiểm tra, đôn đốc thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp của Tòa án cấp tỉnh và Tòa án cấp cao.

- Tăng cường phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an và Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong việc giải quyết các vấn đề liên ngành phát sinh trong quá trình triển khai công tác tương trợ tư pháp.

2. Về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật về tương trợ tư pháp

Tiến hành xây dựng, ban hành các Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn một số quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính về thủ tục giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính có yếu tố nước ngoài.

3. Về công tác đàm phán, ký kết, nghiên cứu gia nhập điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp

- Tích cực tham gia đóng góp ý kiến, đàm phán, nghiên cứu gia nhập các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và nước ngoài theo đề nghị của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an và Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

- Phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan trong việc trao đổi với các cơ quan có thẩm quyền nước ngoài về những vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện các yêu cầu ủy thác tư pháp với Việt Nam để có hướng xử lý thích hợp.

- Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Kế hoạch thực hiện quyền và nghĩa vụ thành viên Hội nghị La Hay về Tư pháp quốc tế của Việt Nam tại Tòa án nhân dân ban hành kèm theo Quyết định số 124/QĐ-TANDTC ngày 15/11/2013 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, trong đó chú trọng đến công tác tìm hiểu, nghiên cứu nội dung, mục đích, thực tiễn tham gia, thi hành một số công ước liên quan trực tiếp đến việc giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài, bao gồm Công ước năm 1970 về thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại.

4. Về thực hiện yêu cầu ủy thác tư pháp

Tòa án cấp tỉnh và Tòa án cấp cao tập trung tổ chức triển khai nghiêm túc, có hiệu quả hoạt động tương trợ tư pháp; thực hiện chế độ thông tin, báo cáo năm cho Tòa án nhân dân tối cao về kết quả hoạt động tương trợ tư pháp cùng các kiến nghị, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn để Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo khắc phục hoặc phối hợp với cơ quan hữu quan để thống nhất phương án giải quyết.

II. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

Để từng bước khắc phục những hạn chế, bất cập và hoàn thành tốt công tác tương trợ tư pháp của năm 2017, Tòa án nhân dân tối cao tập trung chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp chủ yếu sau đây:

1. Đảm bảo tiến độ, chất lượng về việc soạn thảo, ban hành, tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính về thủ tục giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính có yếu tố nước ngoài.

2. Tăng cường hiệu quả phối hợp giữa Tòa án nhân dân tối cao với Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an và Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc thống nhất các biện pháp xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến trách nhiệm chung của liên ngành trong công tác tương trợ tư pháp.

3. Đẩy mạnh công tác thực hiện yêu cầu ủy thác tư pháp tại Tòa án cấp tỉnh và Tòa án cấp cao.

4. Tăng cường năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác tương trợ tư pháp tại Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án cấp tỉnh và Tòa án cấp cao; tăng cường cơ sở vật chất và kinh phí cho công tác tương trợ tư pháp.

III. KIẾN NGHỊ

Để bảo đảm ngày càng tốt hơn công tác tương trợ tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao kiến nghị:

- Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chủ động, tích cực hơn nữa trong việc liên hệ, tham vấn, đề nghị với cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài đẩy nhanh tiến độ thực hiện các yêu cầu ủy thác tư pháp của Tòa án Việt Nam.

- Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao tổ chức các cuộc họp định kỳ để trao đổi thông tin, thảo luận, quyết định các biện pháp phối hợp giải quyết khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện tương trợ tư pháp.

Trên đây là Thông báo của Tòa án nhân dân tối cao về tình hình, kết quả hoạt động tương trợ tư pháp năm 2016 của Tòa án nhân dân để Bộ Tư pháp tổng hợp xây dựng dự thảo Báo cáo trình Chính phủ về công tác tương trợ tư pháp./.

Nơi nhận:

- Như trên;

- Đ/c Chánh án TANDTC (để báo cáo);

- Lưu: VT, VHTQT (TANDTC).

 

KT. CHÁNH ÁN

PHÓ CHÁNH ÁN

Đã ký

Nguyễn Thúy Hiền

Lượt xem: 348

Trang thông tin điện tử tương trợ tư pháp

VỤ HỢP TÁC QUỐC TẾ, TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

Truy cập trong ngày:

Tổng số lượt truy cập:

Địa chỉ: 262 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội
Cán bộ phụ trách: Lê Mạnh Hùng - Chức vụ: Phó Vụ trưởng
Điện thoại: +84.24.376.230.36; 0976437814
Email: phapluatquocte@toaan.gov.vn

© Bản quyền thuộc về Tòa án nhân dân tối cao.
Đề nghị ghi rõ nguồn (Trang TTĐT Tương trợ tư pháp - Vụ Hợp tác quốc tế Tòa án nhân dân tối cao) khi đăng tải lại các thông tin, nội dung từ tttp.toaan.gov.vn.

ácdscv